Ba mươi tháng Tư năm 1975, ngày Việt Cộng chiếm miền Nam, dân chúng ồ ạt bỏ xứ ra đi vì không thể sống chung với VC. Nghĩ rằng mình chẳng có làm gì, không có một chức quyền gì trong chế độ cũ, không đi chắc cũng chẳng sao, vì VC cũng là người VN như mình, lẽ nào, lẽ nào... nhưng cuối cùng rồi tôi cũng phải trốn đi, vì không thể nào sống chung với Việt Cộng được.
Ba năm và bốn tháng sau đó, ngày 7 tháng 8 năm 1978, một ngày hãi hùng, trải qua biết bao hiểm nguy, khốn khó, gian khổ, vợ chồng và 3 đứa con nhỏ của chúng tôi, từ Saigon mới đến được bãi biển Vàm Láng (Gò Công), lên một chiếc ghe đánh cá nhỏ để rời khỏi VN trong đêm tối. Mà đi đâu? Chỉ biết có đi về hướng mặt trời mọc là dễ nhất vì đi về hướng Đông có thể đến Phi Luật Tân được. Trải qua 7 ngày, 6 đêm sóng gió thập tử nhất sinh vì là lúc gió mùa, đã 3 ngày mất hết thức ăn và nước uống, chúng tôi mới được một chiếc tàu buôn của Canada cứu vớt và 40 sinh mạng trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ 2.5m bề ngang và 11m bề dài thoát khỏi làm mồi cho cá mập.
Ghe đánh cá 2.5m bề ngang và 11m bề dài
Tàu buôn của Canada: Avon Forest
Trên boong tàu Avon Forest
40 người chụp hình cùng với Thuyền trưởng tàu Avon Forest
Thuyền trưởng McDougall, ân nhân cứu mạng
Trước khi đi, tôi nghĩ rằng gia đình tôi, nếu may mắn sống còn, sẽ đến một nước tự do nào đó, được chính phủ quốc gia đó cấp cho vài mẫu đất xa xôi để trồng trọt, nuôi heo gà sinh sống. Nơi đó, có lẽ không có bóng một người đồng hương nào và chỉ sống chung với những người bản xứ mà thôi. Buồn lắm, nhưng thôi thì như vậy cũng được, làm thân tỵ nạn còn đòi hỏi gì hơn nữa, thoát khỏi nanh vuốt CS là may lắm rồi. Với hai bàn tay của những người quyết tâm xây dựng cuộc sống trong tự do, gia đình năm người chúng tôi có thể sống mà không bị hạch hỏi, phường kêu, khóm gọi, trình diện lên trình diện xuống, nay họp mai hành, làm khó làm dễ, như khi còn ở trong nước. Thằng con trai 16 tuổi của tôi - dù luật CS là 18 tuổi mới là tuổi đi lính - thế mà vẫn được giấy báo trình diện đi làm “nghĩa vụ quân sự”. Thằng nhỏ phải trốn trong hồ chứa nước trên mái nhà mỗi khi có phường khóm đến tìm. Rồi muốn cho an toàn hơn, tôi phải đến phường xin giấy phép đi đường, về Gò Công, lo lót chủ tịch khóm phường, đổi tên thằng nhỏ từ Lê Duy thành 1 cái tên khác, từ 16 tuổi xuống thành 14 tuổi để tránh tuổi phải làm nghĩa vụ quân sự, đánh giặc ở Cao Miên.
Những năm đầu của cuộc đời mới nơi xứ người, tuy phải làm lại từ đầu, với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng đi làm, 3 đứa con đi học, đời sống mới thật êm ả, ngày không lo âu, đêm không thao thức. Nhất là khi trời vừa chập tối, không đau tim khi nghe tiếng chó sũa, không hoảng sợ điếng hồn khi có tiếng ai gõ cửa bất thình lình. Tuy cuộc sống cực nhọc, nhưng có làm, có ăn, không như khi còn ở trong nước, có làm mà chẳng có ăn. Dần dần, đời sống được ổn định, dành dụm được chút tiền, mua một căn nhà giá rẻ, mua chiếc xe cũ để đi làm và để cuối tuần đi chợ mua thức ăn hoặc đi công việc. Nếu mà cuộc đời cứ mãi êm trôi như vậy thì còn gì bằng. Nhiều khi nhớ về cố hương, nhưng nghĩ lại non nước mình đã bị giặc miền Bắc chiếm rồi, thôi thì đành coi nơi miền đất xa lạ, tuyết lạnh này vĩnh viễn là quê hương thứ hai, sống ly hương và chết cũng ly hương, làm ma ly hương.
Nhưng rồi cuộc đời tưởng êm đềm trôi qua, nào ngờ kẻ thù quyết không buông tha.
Năm 1954, dù chúng được chia phân nửa đất nước Việt Nam, cứ tưởng đâu rằng chúng sẽ chăm lo cho đời sống của dân chúng ở bên kia vỹ tuyến 17, nào ngờ, với dã tâm và lòng tham lam vô bến vô bờ của con người CS, chúng muốn cướp luôn phân nửa phần đất còn lại và chúng đã thành công vào tháng Tư 1975. Rồi người dân lại ùn ùn bỏ xứ liều chết ra đi, tìm đất sống nơi chốn xa lạ, với những con người không cùng máu mũ, không quen biết, không nói cùng chung một thứ tiếng, Nhưng nào được yên. Chúng lại đưa người của chúng ra hải ngoại, theo bén gót người tỵ nạn, và với lối dụ dỗ, ngon ngọt cố hữu, chúng phỉnh gạt được những kẻ ham tiền, háo danh với ý đồ chinh phục nốt 3 triệu dân tị nạn đã xa lánh chúng. Chúng đưa nghị quyết… 36 kiểu của chúng ra, nào xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải, người hải ngoại là khúc ruột nối dài… và những kẻ không có lương tâm lại mắc bẫy, trở thành Việt gian, làm tay sai cho chúng.
LỜI KHẨN CẦU
Sáng tác của LÊ DINH.
Hòa âm: Anh Tú. Trình bày: Lê Duy. Thực hiện Video Clip: Lê Duy, Montreal, Canada.
Mỗi năm đến ngày 30 tháng Tư, người Việt ly hương tưởng nhớ đến ngày đau buồn bất tận này, để mà căm thù CS bởi vì chúng cướp lấy mảnh đất trù phú miền Nam, nhưng chúng chỉ biết vơ vét của cải cho đầy túi tham của chúng thôi và bỏ mặc dân chúng thiếu ăn thiếu mặc, mất đất, mất nhà, mất tất cả tài sản, cơ nghiệp. Ngày 30 tháng Tư là ngày Quốc hận, hận mất xứ sở, hận quân tham ô, hận quân bán nước, buôn dân, hận quân vô học nhưng nắm quyền cai trị, ngồi lì trên sự khổ đau của người dân.
Người Việt tỵ nạn, đến ngày 30 tháng Tư, dù không nói ra, nhưng muôn người như một, đều coi ngày này là ngày linh thiêng, lặng lẽ để tang trong lòng và âm thầm chờ một ngày mai tươi sáng, quân gian ác sẽ đền tội. Phần VC, chúng sợ nhất là lòng hận thù triền miên, cao như núi, sâu như biển, của người hải ngoại. Chúng không muốn ai nhắc tới hai chữ “Quốc hận” nữa vì hai chữ này còn tồn tại thì tội ác của chúng luôn luôn được tô đậm, người hải ngoại không thể nào hòa hợp hòa giải với chúng, như chúng mong muốn. Vì vậy, bằng đủ mọi cách, chạy chọt tay trong tay ngoài, chúng vận động để xóa bỏ 2 chữ “Quốc hận” và gọi đó là ngày mang danh từ mỹ miều là “Hành trình tìm tự do”. Tại sao không chọn một ngày khác? Họ có 364 ngày để chọn lựa mà? Chúng ta chỉ có một ngày, một ngày duy nhất, ngày đau buồn vì mất nước, ngày căm hờn quân cướp nước, ngày tủi nhục phải sống ở nước người mà họ cam đành tước đoạt. Có ai lấy ngày giỗ cha mình để làm ngày đám cưới cho con mình không? Nếu anh làm như vậy, người ta sẽ bảo anh là đứa con… đại bất hiếu.
Vì hận mất nước, không thể sống chung với bè lũ VC được, người dân mới đi tìm tự do chứ khi không tự nhiên mà họ bỏ đi tìm tự do làm chi? Có gốc rồi mới có ngọn chứ. Chặt gốc đi thì ngọn còn gì? Chỉ có Canada là quốc gia duy nhất có một cái luật kỳ quái, chặt bỏ cái gốc “Quốc hận” trong lòng người Việt Nam và thay thế bằng cái ngọn “Hành trình tìm tự do”. Và đây chính là việc mất nước lần thứ hai. Mỗi năm đến ngày này, người Việt tỵ nạn ở Canada để tang cho đất nước, còn phe “thắng trận”, tìm được tự do, thì tiệc tùng, ca hát, nhảy múa ăn mừng đã đạt được mục đích. Họ bảo ngày mất nước là ngày vinh dự của họ. Trong khi đó ngày này ở trong nước, VC cũng ăn mừng ca hát nhảy múa đã cướp được miền Nam.
Oái oăm thay cuộc đời! Cùng một ngày mà người tỵ nạn gọi đó là ngày mất nước, ngày tang chế, ngày đau buồn, còn một số người thì hí hửng gọi đó là ngày hạnh phúc, ngày vui vẻ, ngày vinh dự tìm được tự do. Tại sao có sự tương phản như vậy? Họ ngụy biện rằng ngày 30 tháng Tư vẫn còn đó, các anh có muốn khóc lóc, muốn than van, muốn để tang gì đó thì các anh cứ làm chứ có ai cấm cản các anh đâu? Nhưng mà họ - những con người không có tâm hồn - họ chỉ nhìn thấy bề mặt mà không nhìn thấy bề trái của sự việc. Mất ngày 30 tháng Tư trong tâm tưởng mới là đau lòng. Chúng ta, những người tỵ nạn ở Canada, trước việc bỏ nước ra đi năm 1975 là mất nước lần thứ nhất và ngày 23-04-15, ngày người ta nhẫn tâm xỏa bỏ ngày Quốc hận là mất nước lần thứ hai. Lần trước là mất một cái gì thấy được, còn lần thứ hai này là mất đi một hình ảnh chúng ta tôn thờ trong tâm não.
Chúng ta có một ngày bất di bất dịch, bất khả xâm phạm để tưởng nhớ, để thương tiếc, để nhắc nhở hận thù, thì chúng gian xảo, tráo trở, lấy một ngày khác đè lên, tước bỏ một tài sản tinh thần của chúng ta. Dần dần, thế hệ này qua thế hệ khác - khi thế hệ chúng ta không còn nữa - các thế hệ sau lớn lên, con cháu chúng ta rồi đây chỉ biết có ngày 30 tháng Tư là ngày vui mừng, ngày vinh dự... tìm được tự do, quên đi hận thù to tát là hận thù mất nước.
Trời cao không thương người Việt tỵ nạn ở Gia Nã Đại, VC đã dã tâm cướp nước rồi đồng loại lại nhẫn tâm tước đoạt ngày thiêng liêng của những con người cùng khốn.